Trà Thái Nguyên là đặc sản nổi tiếng được những người sành uống trà thừa nhận từ lâu bởi những yếu tố cấu thành chất lượng hảo hạng: Hương thơm, vị đượm, màu nước và cánh trà đẹp. Ngoài tác động của điều kiện tự nhiên, ưu đãi thì việc chăm sóc, đặc biệt là thu hái, chế biến và bảo quản cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của trà, để có ấm trà búp thơm ngon, người làm trà rất chú trọng khâu bảo quản, vì nếu bảo quản không kín, trà sẽ dễ ẩm mốc và mất mùi hương.
Hái chè nõn 1 tôm 2 nõn
Từ xưa đến nay, việc bảo quản và đóng gói trà có nhiều thay đổi, đặc biệt là trong thời kinh tế thị trường. Nghề làm chè xưa hình thành theo kiểu tự cung tự cấp, diện tích và năng suất thấp, do sản xuất và buôn bán không mở rộng, việc buôn bán chè ngoài thị trường vẫn có nhưng không nhiều. Các gia đình ít có chè búp để uống hàng ngày mà thường dùng lá chè tươi hãm nước uống hay dùng các thức uống bằng một số loại cây lá khác. Người làm trà chủ yếu cất trữ trà khô trong đồ sành sứ như chum, hũ đậy kín, để dành dùng trong gia đình vào dịp lễ Tết, biếu xén, khi nhà có công việc như cưới gả, ma chay… Thời bao cấp, trà búp chủ yếu do Nhà nước phân phối, được đóng gói giấy bán tại cửa hàng mậu dịch theo tiêu chuẩn, người dân hầu như không được tự ý vận chuyển buôn bán trao đổi trà khô ngoài thị trường. Do nguồn cung cấp hầu hết từ các nông trường chè, búp chè thu hái già, lượng cám nhiều và tích trữ bảo quản lâu trong kho nên chè mậu dịch thường có chất lượng không cao, mùi vị nhạt…Vì thế, trong quan niệm của người dân, chè búp ngon phải là chè móc câu, cánh nhỏ đều đẹp cong lên như lưỡi câu và phải giữ kín trong túi giấy bóng kính trong suốt, vừa để giữ hương vừa để khách nhìn thấy cánh trà.
Búp chè tươi tại xã Phục Linh – Đại Từ – Thái Nguyên
Đến nay, nhiều người vẫn có sở thích nhìn chè được đóng gói và bảo quản như vậy. Ngày nay, chè búp Thái Nguyên vẫn là hàng hóa đặc sản của địa phương, nhưng đã được sản xuất với diện tích tăng nhanh ở nhiều nơi, được tiêu thụ trong và ngoài nước với khối lượng lớn. Chè búp trở thành thức uống được sử dụng hàng ngày trong nhiều gia đình, công sở, các sự kiện đông người, là lễ vật không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết, đám cưới… Các doanh nghiệp còn góp phần lớn đưa mặt hàng này quảng bá và bán ra các thị trường ngoài nước.
Trước sự thay đổi đó, việc đóng gói và bảo quản chè đã có nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đối với chè xuất khẩu thô chủ yếu là chè đen, thường đóng gói thành những kiện lớn khối lượng hàng tạ. Với các loại chè móc câu, chè tôm nõn, chè đinh bán ở thị trường trong và ngoài nước thì được đóng gói bảo quản trong những loại gói, hộp với chất liệu và mẫu mã đa dạng, hình thức đẹp và có đầy đủ nhãn mác logo và thông tin về cơ sở sản xuất. Khối lượng cũng thay đổi tùy theo nhu cầu thị trường và để cho khách tiện lựa chọn, phổ biến là loại đóng gói một lạng, hai lạng, hai lạng rưỡi, năm lạng đến một cân, thậm chí nhiều cơ sở đóng gói theo từng ấm nhỏ, túi lọc… để tiện sử dụng hàng ngày. Trà còn được chế biến thành bột trà xanh cung cấp cho dịch vụ mỹ phẩm làm đẹp và làm thực phẩm như bánh bột trà xanh, kẹo lạc trà xanh, trà sữa… Để quảng bá sản phẩm, một số không gian văn hóa trà, phòng uống trà được xây dựng để cho du khách đến tham quan, uống trà và nghe giới thiệu về quy trình làm trà, các sản phẩm trà, văn hóa trà… Với sự thay đổi đó, thương hiệu trà Thái Nguyên được thị trường biết đến ngày càng rộng rãi. Những vùng chè đặc sản nổi tiếng như Tân Cương, La Bằng… đã xây dựng được thương hiệu của địa phương và của nhiều công ty sản xuất. Cùng với đó, công nghệ và máy móc được áp dụng trong đóng gói và bảo quản trà được phổ biến hơn như máy hút chân không, máy dán túi… Những dịch vụ kèm theo như cung cấp bao bì và đóng gói…đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động ngay tại địa phương.
Đời sống của người làm chè ngày càng khởi sắc, những đồi chè xanh mát bao quanh những ngôi nhà xây kiên cố với nhiều đồ dùng sinh hoạt, phương tiện đi lại hiện đại, đường xá thuận tiện đã khiến người nông dân thực sự gắn bó với nghề, tạo nên sự phát triển bền vững ngay trên quê hương Thái Nguyên.