“Chè Thái, gái Tuyên”, đó là câu cửa miệng của nhiều người khi nói về hai vùng đất của trung du miền núi phía Bắc. Chè ngon phải kể đến chè Thái Nguyên, còn con gái đẹp, dịu dàng thì phải kể đến con gái Tuyên Quang, hẳn rằng câu nói đó không quá đề cao nét độc đáo của hai vùng đất, nhưng ẩn dấu trong đó những điều hoàn toàn khiến cho người ta tin tưởng.
“Chè Thái, gái Tuyên”, đó là câu cửa miệng của nhiều người khi nói về hai vùng đất của trung du miền núi phía Bắc. Chè ngon phải kể đến chè Thái Nguyên, còn con gái đẹp, dịu dàng thì phải kể đến con gái Tuyên Quang, hẳn rằng câu nói đó không quá đề cao nét độc đáo của hai vùng đất, nhưng ẩn dấu trong đó những điều hoàn toàn khiến cho người ta tin tưởng.
Nói đến văn hóa ẩm thực Việt Nam, người ta không chỉ nói về sự đa dạng trong các cách thưởng thức món ăn hàng ngày của người Việt, và các cách chế biến đến nguyên liệu của món ăn ra sao mà cách uống cũng có nhiều sự đến lạ kì!
Uống là một nhu cầu cần thiết của con người nhằm duy trì sự cân bằng trọng lượng cơ thể, đảm bảo nước cho sự phát triển của con người, người ta có thể nhịn ăn ba ngày nhưng không thể không uống nước được. Trong cách uống của người Việt Nam, phải kể đến cái thú uống nước chè (trà) là một cái thú có từ lâu trên đất nước ta, cho đến nay nó vẫn là một trong những điểm nổi bật trong văn hóa ẩm thực của dân tộc.
Hiện nay, trong các tài liệu lưu trữ không cho phép ta tìm hiểu một cách kĩ lưỡng về cách uống trà, uống chè và thưởng thức những cái tuyệt vời từ một thú vui tao nhã, chỉ thông qua một vài ghi chép của một số người mà thôi.
Riêng chuyện uống trà thời nhà Lê đã có những trang sách khá hay viết về thói quen này. Đó là những trang viết của Phạm Đình Hổ (1758 – 1839) trong tác phẩm “Vũ trung tùy bút” ( Tùy bút viết trong mưa):” Ta sinh trưởng đương lúc thịnh thời Cảnh hưng, trong nước vô sự, các nhà quý tộc, các bậc công thần, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một bộ ấm chén phí tổn đến vài mươi lạng bạc…thường có nhiều người đến chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan này đến chục khác để mua lấy chè ngon. Lúc ngồi rỗi, pha chè uống với nhau, lại đánh cuộc với nhau xem chè đầu xuân năm nay sớm hay muộn, giá chè năm nay cao hay hạ. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên, mua cho được chè ngon, bày khay chén ra uống thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền ra mua sẵn cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tàu buôn đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực.
Song cái thú uống chè Tàu có phải ở chỗ đó đâu? Chè tàu thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm chè Tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục. Ấy, người xưa chuộng uống chè tàu là vì vậy. Từ các đời gần đây trở xuống, thưởng thức chè Tàu ngày càng tinh, vị chè nào khác, cách chế nào thì ngon, đều phân biệt kĩ lắm. Lò, siêu, ấm, chén, lại chế ra nhiều kiểu thích dụng. Song chế ra nhiều thứ chè, kẻ thức giả cũng cho làm phiền lắm, còn như nếm chè trong đám ruồi nhặng, bầy ấm chè ở cửa chợ bụi lầm, lúc ồn ào đinh óc, vơ vẩn rộn lòng, thì dẫu ấm cổ đẹp đẽ, chè ngon ngát lừng, ta chẳng biết uống chè như thế có tác dụng gì không?”
Cái thú uống nước chè để bắt đầu câu chuyện, bắt đầu của một ngày mới, trong những buổi làm đồng áng vất vả có chén trà xanh, rồi lãng mạn cao hứng thì vừa uống trà vừa ngâm thơ, âu đó là một cái nét đẹp trong cách uống trà vậy. Mỗi khi cái tên Thái Nguyên được nhắc đến, gợi cho nhiều người về một vùng đất có một bề dày truyền thống cách mạng, vốn là một ATK của Đảng và Bác Hồ trước và sau cách mạng Tháng Tám. Với Hồ Núi Cốc, Đền Đuổm, con Sông Công…song cái đặc sắc nhất đóng góp vào văn hóa của vùng là cây chè và các sản phẩm từ chè.
Đất Thái Nguyên có điều kiện cho cây chè phát triển và nó thực sự trở thành một sản phẩm mang tính đặc thù của quê hương. Khác với các vùng đất trồng chè khác của đất nước, chè Thái Nguyên đã trở thành một “thương hiệu” nổi tiếng được người tiêu dùng đánh giá cao. Đất Thái Nguyên, đặc biệt là vùng chè đặc sản Tân Cương được coi là một trong những vùng cung cấp những loại chè ngon nổi tiếng. Đây chính là vùng đất chè truyền thống của tỉnh. Sản phẩm chè của quê hương được đem đi khắp các vùng miền và cả thị trường nước ngoài, được những người sành chè và nhiều thị trường khó tính chấp nhận. Để có được điều hạnh phúc và tự hào đó, Chè Thái Nguyên đã thực sự tự mình làm cho mình “đứng” được trong lòng người tiêu dùng. Điều đặc biệt là khi các loại chè được nhập khẩu từ nước ngoài về đây trồng như Bát tiên, Ô long… sau một thời gian dần dần bị “nội hóa”, trở thành “chè Tân Cương” “chè Thái Nguyên”. Sở dĩ ở Tân cương có những loại chè ngon cũng bởi một phần chất đất ở đây được trời phú cho tươi tốt và có “duyên” với cây chè. Cũng chả vì thế mà mỗi khi người ta nhắc đến hai chữ Thái Nguyên, đâu chỉ là vùng đất gang thép, đâu chỉ là một thành phố công nghiệp, mà còn được biết đến một sản phẩm không có vùng đất nào của Tổ quốc có được, đó chình là “chè xanh”. Khi vỡ lẽ, du khách mới “à” lên một tiếng! “Có chè nữa”
Một cân chè Thái Nguyên ngon phải là một cân chè khi sao không cháy, đều lửa không có mùi khét, các cánh chè khi sao đều đặn không nát vụn mà cuộn tròn với nhau, màu của chè ngon thường là màu mốc cau, dáng hình ngọn chè thành phẩm là hình móc câu. Khi trồng chè người ta không được trồng cạnh xoan vì nó làm mất đi vị của cây chè. Bên cạnh đó là khi nhai thử, nhả bã thấy chè xanh như khi sao, khi uống, ngậm lâu trong cổ họng thấy ngọt dần của vị chè chứ không phải là ngọt của mì chính pha lẫn trong đó để đánh lừa cảm giác. Cách pha chè cũng phải hết sức sành sỏi, phải chọn ấm thích hợp, tráng ấm và nhiều thủ thuật khác mà có lẽ chỉ có những bậc cao nhân mới hiểu hết được. Mở gói chè, mùi hương có thể bay khắp gian phòng làm ngây ngất ngay từ khi chưa uống. Vì vậy, một cân chè Thái Nguyên ngon luôn được người uống chon lựa rất kĩ càng. Khi chế biến chè cũng phải hết sức cẩn thận trong việc hái, sao và sản phẩm cuối cùng đến với người uống là bằng mồ hôi và công sức của bao ngày.
Ngày nay, chúng ta đang tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa đất nước, sự tất bật khiến cho con người ta luôn thèm một cảm giác thanh thản và nhẹ nhàng để quên đi những giờ phút lao động mệt nhọc và căng thẳng. Bên cạnh đó là, sự chia sẻ và lắng nghe giữa mọi người trong cuộc sống. Và vì thế, chè Thái Nguyên ngày càng có vị trí quan trọng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Khi một người con Thái Nguyên đi xa, luôn tâm niệm trong mình niềm tự hào về “đứa con tinh thần” của vùng đất. Và khi du khách đến thăm Thái Nguyên, hãy thưởng thức chè dù chỉ một lần, cái cảm giác ngây ngất, được đắm mình trong cái ngào ngạt, thơm ngát, nhẹ nhàng nhưng lan tỏa khắp da thịt, thì lúc đó, bạn đã đến Thái Nguyên rồi đấy! Nghệ thuật uống chè trở thành một “đạo”, và là một thú vui hết sức tao nhã và đôi khi hết sức cầu kì. Do đó, chúng ta thấy “trà đạo” của Nhật Bản là một trong những nghi thức văn hóa mang đậm phong cách phương Đông. Chỉ có trong cách uống chè ta mới thấy được những điều đó.
Và có một câu chuyện kể về một tài năng xuất chúng trong lĩnh vực “ giám định hương vị trà”, do nhà văn Nguyễn Tuân kể lại, một tài năng mà ít ai trong số những người quen với trà túi Lipton hay Dimad – “trà của thế hệ mới”, có thể tưởng tượng nổi. “Ngày xưa, có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào xin ăn. Có một lần, hắn gõ gậy vào nhà kía, giữa lúc chủ nhà và một vài quý khách đang dùng bữa trà sớm. Mọi người thấy hắn mon men lên thềm, và ngồi thu mình ở chân cột một cách ngoan ngoãn, mọi người không nói gì cả, để xem hắn định giở trò gì. Hắn chả làm gì cả, chỉ nhìn mọi người đang khoan khoái uống trà. Hắn đánh hơi mũi, và cũng tỏ vẻ khoan khoái khi hít được nhiều hương trà nóng tản bay trong phòng. Thấy mặt mũi người ăn mày đã đứng tuổi không đến nỗi bẩn thỉu quá, chủ nhân bèn hỏi hắn xin cơm canh, hay là hơn nữa, hắn lại muốn đòi xôi gấc, như kiểu người trong phương ngôn. Hắn gãi tai, tiến lại gần, tủm tỉm và lễ phép xin chủ nhân cho “uống trà tàu với!”.
Mọi người tưởng hắn dở người. Nhưng tại sao không lỡ đuổi hắn ra mà còn gọi hắn lại phía bàn và cho hắn nhận lấy chén trà nóng. Hắn rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống nguyên một chén trà nóng kia. Hắn nói xong, giở cái bị ăn mày của hắn ra, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm. Thấy cũng vui vui và là lạ, mọi người lại đưa cho hắn mượn cả khay trà và phát than tàu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem hắn định đùa đến mức nào mới chịu thôi. Hắn xin phép đâu đấy rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân trong xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần áo hắn rách như tổ đỉa. Uống chén trà thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau và thưa với chủ nhà: “Là thân phận kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng thương xuống, thực kẻ ti tiện này không có điều gì dám kêu ca lên nữa. Chỉ hiềm rằng bình trà của ngài có lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa lấy gì làm khoái hạt lắm”. Hắn tráng ấm chè, lau khay hoàn lại nhà chủ. Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thổi cái vòi ấm kĩ lưỡng cất vào bị, rồi xách nón, vái chủ nhân và quan khách, cắp cái gậy tập tễnh lên đường, mọi người cho là một người điên không ai để ý đến. Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đều lấy làm kinh sợ người ăn mày vì, ở lọ trà đánh đổ vung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm ra đến mươi mảnh trấu.”
Hẳn câu chuyện đã để lại cho bạn và tôi nhiều suy ngẫm và thêm hiểu biết hơn về cách uống chè của các bậc cao nhân. Đó có thể là câu chuyện của những “Vang bóng một thời” nhưng đâu đó ta vẫn gặp những chén nước chè nghi ngút khói và làm ấm lòng người uống. Những nét đẹp của cuộc sống bắt nguồn từ chính cuộc sống, bởi cuộc sống là mạch nguồn trong trẻo nhất cho văn hóa tồn tại và phát triển. Chè Thái Nguyên, bản thân nó đã là văn hóa bởi đó là sản phẩm của con người, thông qua nét đẹp của cách uống, cách pha chế, cách làm ra một cân chè đã làm cho nó trở thành một nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Bước chân lên mỗi vùng miền của đất nước là mỗi cảm nhận khác nhau trong bức tranh tươi đẹp chung của Tổ quốc. Chậm rãi, khoan thai, thong thả đi dạo trên những cánh đồng chè, những đồi chè của Thái Nguyên ngút tầm mắt, bạn sẽ cảm thấy lâng lâng và như hít sâu vào lồng ngực mình một thứ cảm giác chỉ có được ở nơi đây mà thôi. Trồng chè, chế biến chè, sao chè và đảm bảo chất lượng qua thời gian là cả một quá trình nghệ thuật. Quá trình ấy là một nét đẹp cần được bảo tồn và lưu giữ cho con cháu muôn đời. Nhưng song song với đó là việc làm cho chè Thái Nguyên trở thành một thương hiệu để có thể cạnh tranh trên thị trường là điều vô cùng cần thiết.
Mỗi khi Tết đến xuân về, ngồi bên ấm chè xanh nóng trong không khí ấm cúng của ngày mồng 1, mọi người đều cảm thấy sức xuân đang đâm chồi nảy lộc như chính những mầm chè xanh đang vươn lên nhìn cánh én. Và trong cái không khí nóng bức của mùa hè, những giây phút thư giãn bên chén trà thực là những giây phút thư thái.