Việc chọn trà, pha trà, mời trà là một ứng xử văn hóa, biểu hiện sự tinh tế và lòng mến khách của người Việt. Nét văn hóa này thực chất có cả một hệ thống những kinh nghiệm, những quy ước ứng xử bất thành văn từ ngàn đời xưa.
Người Việt uống trà đầu thế kỷ 20 (Nguồn: Internet)
Tuy chưa được nâng lên thành văn hóa Trà Đạo như của người Nhật hay Công Phu Trà như của người Hoa, nhưng phong cách uống trà của người Việt vẫn có những giá trị đặc sắc riêng. Nhà nghiên cứu văn hóa – Giáo sư Trần Ngọc Thêm từng nói: “Người Việt Nam mời nhau uống trà không phải đơn thuần là để giải khát, mà là để biểu hiện một phong độ văn hóa thanh cao, một sự kết giao tri kỷ, một tấm lòng ước mong hòa hợp, một sự tâm đắc của những người đối thoại. Người Việt Nam mời nhau uống trà là để bắt đầu một lời tâm sự, để bàn chuyện gia đình, xã hội, chuyện thế thái nhân tình, để cảm thấy trong chén trà có cả hương vị của đất trời, cỏ cây và muôn vật.” Đặc biệt, xung quanh chuyện uống trà, chúng ta có thể phần nào hiểu sâu hơn về tâm tính của người Việt.
Việt Nam là một đất nước có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời. Điều này trước hết bị quy định bởi đặc điểm môi trường tự nhiên của nước ta. Việc trồng lúa nước đã chi phối trở lại lối sống, lối ứng xử của người Việt. Trồng lúa nước, trước hết con người phải phụ thuộc vào nước (tức là thời tiết, khí hậu). Bởi vậy, phải chăng văn hóa hay căn tính con người Việt Nam mang tính nước khá nhiều? Đó là sự kiên nhẫn, linh hoạt, mềm dẻo như nước. Bên cạnh đó, họ không chỉ trông chờ vào thiên nhiên, mà phần khác còn phải dựa vào sức người, dựa vào cộng đồng mà cùng làm ăn, sinh sống. Con người làng xã, với tư cách là một mẫu người văn hóa, có tính chất phổ quát và chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Người Việt uống trà đầu thế kỷ 20 (Nguồn: Internet)
Khi xem việc uống trà là một biểu hiện văn hóa trong đời sống người Việt, sẽ thấy nó phản ánh trọn vẹn căn tính truyền thống của người Việt. Đó là con người làng xã, là con người của cộng đồng. Tinh thần cộng đồng được hun đúc từ trong gia đình, làng xóm. Tính cộng đồng khiến người Việt giàu tình yêu thương và đức hy sinh, hy sinh cho cộng đồng nhỏ (gia đình, dòng họ) của mình, đến hy sinh cho cộng đồng lớn (làng xóm, đất nước). Nghệ thuật uống trà phản ánh phong cách văn hoá ứng xử của người Việt Nam. Cây chè mọc lên từ đất, lớn lên trong ánh mặt trời và tắm mình trong gió mưa, nên khi nhấp một ngụm trà, như cảm nhận được cả thiên nhiên đất trời hòa chung trong sự ngọt bùilan tỏa. Trà Việt mang tính chất gần gũi với thiên nhiên, nó dạy cho người thưởng trà cái tính cộng đồng, gần gũi, biết cảm ơn những người đã một nắng hai sương trên cánh đồng chè.
Tính cộng đồng và lối sống duy tình khiến người Việt yêu thích sự công bằng. Ý thức về sự công bằng đó bắt nguồn từ lối sống “tình làng nghĩa xóm” của người Việt, mọi người đều giúp đỡ đùm bọc lẫn nhau nên ai cũng có quyền lợi và trách nhiệm như nhau. Do đó, xã hội Việt Nam không tồn tại sự phân chia đẳng cấp khắt khe như trong xã hội của các quốc gia khác, kể cả trong thời phong kiến lẫn ở hiện tại. Lấy việc rót trà làm ví dụ, sau khi tráng chén bằng nước sôi cho sạch và giữ nhiệt, người ta xếp các chén vào sát nhau, tạo thành một hình tròn. Các chén nằm sát nhau thể hiện sự gắn bó tình làng nghĩa xóm khi mời nhau chén trà. Hình tròn của các chén xếp cạnh nhau thể hiện mong muốn viên mãn, đầy đủ. Nếu rót trà theo hình tròn của các chén, mỗi chén rót một chút, từ đầu đến cuối, rồi lại vòng ngược lại đến đầu, điều này làm cho trà không có sự chênh lệch đậm nhạt giữa chén đầu và chén cuối. Ý nghĩa của nó là thể hiện sự bình đẳng giữa chủ và khách trong sự hưởng thụ tinh tuý của thiên nhiên.
Bên cạnh trà mạn, đa số người bình dân cũng thích uống chè tươi, chè nụ. Đây là cách uống trà độc đáo của người Việt. Uống chè tươi cũng thể hiện tính chất cộng đồng của văn hóa làng xã Việt Nam, nền văn minh lúa nước Đông Nam Á. Trà nói lên tính lạc quan, yêu đời của người Việt, cộng với tinh thần tự do phóng khoáng, ít chịu ràng buộc khiến trà Việt thấm đượm tính dân gian, dân tộc.
Người Việt uống trà đầu thế kỷ 20 (Nguồn: Internet)
Nhiều người thường đặt câu hỏi tại sao Việt Nam không có một nền văn hóa trà để sánh với Trà Đạo Nhật Bản, với trà nghệ Trung Hoa, hay trà chiều của Anh quốc? Tuy chưa phát triển thành “đạo” trong uống trà, nhưng người Việtvẫn có nét văn hóa thưởng trà hài hòa, dung dị. Vì vậy, nó không hẳn là “đạo” như trà đạo Nhật Bản, không quá cầu kỳ như trà nghệ Trung Hoa, và không quá thực dụng như trà chiều của phương Tây. Có thể nói, trà của người Việt vừa mang tính thanh cao, thư nhàn, vừa có sự dân dã, mộc mạc, không muốn gò bó trong một khuôn mẫu cứng nhắc nào, phản ánh một tư duy tổng hợp, một sự hỗn dung hài hòa và khôn khéo trong văn hóa người Việt.
Tất cả những điều này không phải ngẫu nhiên mà người xưa thuận tay tạo ra như vậy, đó là thứ văn hóa hết sức giản dị của ông cha ta. Nó mộc mạc và bình dị, hài hòa với thiên nhiên, với mọi người và với chính thế giới nội tâm của mình. Qua cách dùng trà của người Việt, chúng ta cũng thấy được phần nào sự tinh tế của người Việt Nam, thú hưởng thụ cuộc sống bằng những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng chứa đựng biết bao tâm tình.