Trà là thức uống phổ biến và có ảnh hưởng lớn nhất trên toàn thế giới. Đã từ rất lâu, trà với con người có một mối liên kết vô hình mà sâu xa. Một tách trà tuy giản dị, mộc mạc nhưng lại chứa đựng trong đó cả một tinh hoa văn hóa và để tạo ra được một ly trà ngon thì lại mất cả một quá trình dài từ khâu chế biến tới khi pha trà.
(Ảnh tư liệu)
Người châu Á xem trà như một thứ thức uống không phải chỉ là để uống, để giải khát hay để cho những cuộc giao tiếp thông thường mà được nâng lên thành một phẩm vị cao quý mang trong mình những tinh hoa của một nền văn hóa. Và đó cũng là thức uống thanh nhẹ chứa đựng loại hạnh phúc bình dị mà ai cũng có thể cảm nhận.
Nét văn hóa uống trà đặc trưng của người Việt ở thế kỷ 18 – 19 phổ biến với quan niệm “Trà nô – Tửu tướng”, có thể được hiểu như sau: “… uống rượu thì phải thật sang trọng và oai phong, uống như đại tướng vừa thắng trận ban sư hồi trào, có quân hầu tiền hô hậu ủng, có ca nhi chuốc rượu hiến tửu; nhưng trái lại, khi ẩm trà thì phải tự coi mình như là nô bộc của thứ đồ uống thanh nhã này…”. Chính vì vậy, giới nho sĩ ở thời kỳ này thường có cái nhìn miệt thị đối với những ai uống trà mà phải để cho người hầu pha trà, tức không tự mình pha trà theo phong cách “trà nô”. Lâu dần thành nếp, ngày nay trong các gia đình Việt, người đàn ông vẫn giữ thói quen tự mình pha trà để uống, vợ con chỉ ủng hộ bằng cách đun dùm phích nước để sẵn mà thôi.
Người Việt Nam uống trà không gò ép thái quá về lễ nghĩa, không lạm dụng thái quá trò biểu diễn nghệ thuật, bởi thái quá dễ mất đi cái đức “tịnh” cần có khi thưởng trà. Mà người Việt tôn vinh nguyên lý tự nhiên, tôn vinh tinh thần của thiên nhiên; hòa nhập chân khí của trà với nước, của nước với thiên địa nhân. Dư vị ngọt đắng mỗi khi đã lắng đọng trên đầu lưỡi rồi, sẽ tự khai phóng tâm kinh con người thôi. Và trà nhân sành sỏi sẽ cảm thụ được cái đức của người chế ẩm đến đâu để mà nể trọng, đạo tự nhiên mà thành giữa chủ khách đôi bên. Sự thấm nhuần đạo lý không phải là chuyện nói ngoa mà được.
(Thưởng trà – Ảnh: Đỗ Anh Tuấn)
Trân quý ly trà ngon, đợi chờ người tri kỷ. Trong mắt người yêu trà, mỗi một loại trà đều có một phẩm chất khác nhau, mà mỗi người yêu thích loại trà nào, còn phải tùy thuộc vào sở thích cá nhân của người đó, tùy thuộc tâm tình vào thời khắc thưởng trà của mỗi người, mỗi loại trà khác nhau, ở những thời khắc khác nhau sẽ gây cho người thưởng thức trà những cảm thụ và lý giải khác nhau.
Vị trà vô hình mà sâu xa. Nhân sinh như 3 chén trà: Đắng tựa cuộc đời, ngọt tựa tình ái, nhạt như gió thoảng. Pha trà, biết tâm tính. Uống trà, biết ý vị. Luận trà, biết tâm tư… Mỗi người lại bởi vì mỗi nguyên nhân khác nhau mà thích trà, vì thanh đạm, vì ngọt hậu, vì đắng cay, vì nhẹ nhàng, vì hồi vị…”
Uống trà vốn là một loại thưởng thức làm cho cả thể xác và tinh thần đều thư thái, hạnh phúc. Trà thanh tịnh, tâm bình thản. Dùng tâm bình thản cảm nhận thanh tịnh trà, dùng thanh tịnh trà để nuôi dưỡng tâm bình thản. Cũng giống như “Tâm ngoại vô Phật”, trà đạo cũng không mang nhiều lý luận cao thâm. Dụng tâm pha trà, dùng chân thành tha thiết đối người, hương thơm quẩn quanh phiêu tán.
Có thể thấy, trà giống như một loại hạnh phúc giản dị mà thanh tao. Uống trà như là một cách thể hiện tâm tình đối với cuộc sống, pha một ly trà, cảm thụ hương vị tự nhiên toát ra từ lá trà, bỗng thấy lòng an nhiên trước bao ồn ào cuộc sống.
Thưởng thức một tách trà ngon trong không gian yên tĩnh, bên cạnh là tiếng chim hót, xung quanh là âm thanh của lá cây thì còn gì tuyệt vời hơn.
Tiến Thành