Nữ thủ lĩnh đưa thương hiệu chè Nhật Thức vươn xa

Vùng đất Đại Từ vốn là một trong những “vựa” chè nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên. Cây chè đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân nơi đây. Hương chè như thấm vào máu thịt, suy nghĩ của bao người, để rồi họ mong muốn mang cái vị “đắng, chát, ngọt hậu” của quê hương vươn xa đến nhiều miền quê hơn nữa. Chị Đào Thị Thức, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Nhật Thức (xóm Khuôn 2, xã Phục Linh), là một trong những người mang trong mình khát khao đó. Bằng tình yêu cây chè quê hương, sau 8 năm thành lập, chị Thức đã dẫn dắt HTX không ngừng phát triển. Sản phẩm chè của HTX dần khẳng định được chất lượng, chỗ đứng trên thị trường.

Chị Thức kể về hành trình gắn bó với cây chè: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng chè Đại Từ, nơi mà nghề trồng chè được coi là nghề mưu sinh từ đời này sang đời khác, nên tôi gắn bó với cây chè từ nhỏ. Tôi không thể quên được những lần theo bố mẹ lên đồi hái chè, đi chợ bán chè, miệng nhấm nháp những búp chè tươi, chè khô. Dư vị chan chát nơi đầu lưỡi, ngọt nơi cổ họng và hương thơm ngát từ mẻ chè mẹ sao bên bếp lửa cứ thế ngấm dần vào tôi lúc nào không biết. Hồi đó, làm chè vất vả mà năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Nhưng điều khiến tôi ám ảnh nhất chính là hình ảnh của bố, người đã gắn bó cả cuộc đời cùng sự vất vả bên cây chè. Mỗi lứa chè là mỗi lần bố mang trên vai cả trăm bình thuốc trừ sâu, hậu quả của rất nhiều năm làm chè mà không có đủ kiến thức, tiếp xúc với hoá chất độc hại làm sức khỏe kém đi quá nhiều. Từ đó bản thân sôi sục ý nghĩ cần phải làm một sản phẩm trà uống không chỉ là giải khát, biếu tặng mà còn phải thật sự tốt cho sức khoẻ. Định hướng thay đổi tư duy cho cộng đồng cùng làm, cùng phát triển và rồi không để trì hoãn lâu, năm 24 tuổi tôi quyết định khởi nghiệp từ chè, tìm hướng đi mới cho cây chè địa phương.

Chọn khởi nghiệp từ cây chè khi trong tay ngoài việc thông thạo hái chè, sao chè thì chưa biết gì nhiều. Thứ duy nhất có lúc đó là sức trẻ, lòng đam mê, nhiệt huyết mong muốn tìm được một hướng đi mới của cô gái quê chè mang tên Đào Thị Thức. Thật may mắn, chị Thức mang câu chuyện của mình chia sẻ với các cô các bác làm chè trong vùng, những ý tưởng lớn gặp nhau, họ cùng chung suy nghĩ, cùng chung lý tưởng và vùng trà sạch đầu tiên đã ra đời. Ban đầu chỉ với 25 thành viên thì có đến 80% là người dân tộc, chủ yếu là phụ nữ. Chính họ đã cùng nhau xây dựng lên HTX sản xuất và kinh doanh chè Nhật Thức với thương hiệu uy tín như bây giờ.

Những bước chân dò dẫm đầu tiên tôi cũng đã gặp nhiều thất bại, đó là điều dễ hiểu bởi trong tay chưa hề có kinh nghiệm, chiến lược thị trường cùng với rất nhiều thứ đầu tư chưa hợp lý, chưa đúng thời điểm đã để lại nhiều mất mát về cả tài chính lẫn tinh thần. Nhưng cái được nhất là thị trường đã dạy cho mình biết những khắc nghiệt để buộc mình phải tìm ra một con đường, một hướng đi mới. Làm kinh tế thì không thể chỉ trưởng thành từ nghề mà phải học và cố gắng rất nhiều thứ

Chính từ những vấp váp đó, chị Thức nhận ra, nếu muốn tìm được “chỗ đứng” bền vững cho chè thì cần xây dựng quy trình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói, bảo quản và quảng bá sản phẩm.

Vậy là “cuộc cách mạng” với cây chè được bắt đầu. Chị Thức đã phối hợp cùng Công ty Núi Pháo vận động bà con xã viên quy hoạch lại diện tích, xây dựng vùng chè nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 100ha, trong đó canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ là 7,8ha; lắp đặt hệ thống tưới nước tự động…. Chính Công ty Núi Pháo là người bạn đồng hành cùng chị Thức từ những ngày đầu, họ tích cực đi “xin” các chương trình, dự án hỗ trợ giống, phân bón cho bà con. Sau đó là rất nhiều chương trình và dự án hỗ trợ, từ việc đưa các thành viên HTX tham quan học hỏi kinh nghiệm tại những làng nghề nổi tiếng cho tới phối hợp với đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chè. Bên cạnh đó, HTX còn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ vốn vay Phục hồi kinh tế để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm…

Bên cạnh đó, chị Thức cũng được Núi Pháo hỗ trợ, tư vấn thiết kế bao bì, mẫu mã, nhãn mác để tạo ra bộ nhận thương hiệu riêng; xây dựng website tại địa chỉ www.nhatthuctea.com; tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã tại các chương trình hội chợ OCOP, trên các trang thông tin, mạng xã hội; sử dụng sản phẩm của HTX làm trà uống cho nhân viên, trà biếu cho khách…

Sau 8 năm thành lập, từ khi bắt đầu chỉ có 3 thành viên, đến nay HTX có 20 hộ thành viên, với vùng nguyên liệu chè hơn 100ha. Nhờ chú trọng khâu sản xuất, chế biến nên chất lượng sản phẩm chè của HTX ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Sản phẩm chè của HTX được chế biến và đóng gói theo dây chuyền công nghệ mới, máy móc đồng bộ, nhà xưởng khép kín rộng 200m2, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. HTX đã có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 và 4 sao, mỗi năm tiêu thụ từ 60-70 tấn chè thành phẩm, tạo việc làm cho gần 20 xã viên, với thu nhập ổn định trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Nói về những dự định trong thời gian tới, chị Thức chia sẻ: “Chúng tôi sẽ mở rộng khu thưởng trà để đón tiếp khách đến tham quan, trải nghiệm; mở rộng diện tích làm chè hữu cơ; phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại vùng chè nguyên liệu; đồng thời hướng tới xây dựng thêm các sản phẩm OCOP 5 sao để đưa sản phẩm chè ra các thị trường lớn hơn và xuất khẩu…

Với tình yêu dành cho cây chè quê hương chị Thức đã và đang lan tỏa những sản phẩm trà thơm ngon, an toàn cho sức khỏe đến với mọi miền đất nước. Bằng bàn tay lao động của mình, chị Thức đã dẫn dắt HTX Chè Nhật Thức từng bước đứng vững trong lòng người yêu trà.