Thưởng thức bánh Trung thu cùng trà Thái

Thứ quà không thể thiếu mỗi dịp trung thu đó là bánh nướng, bánh dẻo ngọt bùi, đậm vị. Thật thi vị nếu ta nhâm nhi một miếng bánh, nhấp một ngụm trà, hàn huyên những câu truyện bên cạnh người thân, bạn bè trong cái tết đoàn viên.

Bánh trung thu truyền thống là bánh dẻo hay bánh nướng đều có hình dáng tròn đầy, nhân bánh mặn ngot đủ vị với bột gạo, là hạt bí, thịt mỡ, đỗ xanh, trứng muối… đó là những nguyên liệu tinh tế chắt lọc từ thiên nhiên, của đất của trời. Bánh trung thu thật là nhiều loại, mẫu mã đa dạng, phong phú. Trước đây, bánh trung thu xưa lấy nguồn nguyên liệu gần gũi, giản dị, chỉ gói gọn trong vòng bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm, hoặc cùng lắm có thêm cái bánh dẻo chay… Ngày nay, ẩm thực hiện đại đã cho ra đời rất nhiều loại bánh với các loại nhân đặc sắc, mẫu mã khác nhau. Không còn bó hẹp ở chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, bánh trung thu theo thời gian cũng phát triển với rất nhiều dòng sản phẩm, linh hoạt đáp ứng nhu cầu thưởng thức, biếu tặng của mọi người. Các loại bánh khác nhau từ nguyên liệu, hình dáng và trở thành một tác phẩm nghệ thuật ẩm thực. Những chiếc bánh trung thu ngày nay được biến tấu thành nhiều hình dạng như hình thú, hình bông hoa… và đa dạng hương vị như sô cô la, trà xanh, cà phê, trứng muối…

Xưa chắc chỉ có những thương hiệu nổi tiếng mới làm bánh trung thu. Hà Nội 36 phố phường nổi tiếng với hàng bánh trung thu gia truyền Bảo Phương trên phố Thụy Khuê; Hải Phòng thì có bánh trung thu Đông Phương (Cầu Đất), Minh Trang, Quang Hưng (Nam Định)… ngày nay, hầu như cửa hàng bánh nào cũng đều làm bánh trung thu. Xã hội phát triển, máy móc hiệu đại, công thức chỉ cần google là có nên ai cũng có thể làm. Thế là cứ mỗi mùa trăng tròn vằng vặc, các chị các cô lại sắn tay làm bánh. Làm ít thì cho gia đình ăn, làm nhiều thì đăng bán, chào hàng trên mạng xã hội. Bây giờ thật dễ dàng để tìm cho mình một chiếc bánh ngon vừa khẩu vị từ ít ngọt, đến chạy, mặn…

Chẳng phải tự nhiên mà khi ăn bánh trung thu, từ xưa đến nay, được cắt 6 – 8 miếng nhỏ xinh để cho vừa miệng. Một phần vì bánh trung thu ngọt sắc, ăn nhiều quá sẽ trở nên ngán. Với những người sành miệng thì trước khi ăn bánh bao giờ cũng là nhấm một ngụm trà nhỏ. Trà thì nhiều địa phương cũng có, nhưng vang danh từ xưa đến giờ thì chỉ có ở đất Thái Nguyên. Phải là loại chè Đinh hay chè móc câu thì thật là tuyệt. Trước khi ăn bánh hãy nhấp một ngụm trà nhỏ để kích thích vị giác, để vị chát của trà làm nền cho những hương vị sắp tới. Vị bánh ngọt sắc thì một ngụm trà sẽ làm vị ngọt lan tỏa nhẹ nhàng trong khoang miệng, đọng lại nơi cuống lưỡi. Trà thường có một chút se đắng với một mùi thơm kéo dài trong miệng kết hợp hoàn hảo với vị ngậy thơm của bánh trung thu. Sự tương phản này là tác động kỳ diệu đến vị giác của chúng ta.

Mỗi phần bánh trung thu mặn, ngọt ấy dường như mang nghĩa sẻ chia hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình. Thời điểm này mọi năm, tết Trung thu là dịp mọi người tràn ra đường để rước đèn, dạo chơi đến nỗi làm tắc dài các con phố. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, khi mà chúng ta hạn chế các hoạt động đông người, thì có lẽ đây là thời gian phù hợp để dành trọn bên gia đình, đúng với cái ý nghĩa đoàn viên của tết Trung thu… Thế mà vẫn có những người vì dịch bệnh mà không thể trở về quê hương, những y bác sĩ chỉ có thể chia sẻ niềm vui trung thu với con mình qua điện thoại, internet. Người Việt hay an ủi nhau “sau cơn mưa trời lại sáng”, cái kết thúc bao giờ cũng có hậu, cũng vẹn toàn. Hy vọng dịch bệnh sẽ qua nhanh, để những đứa con đi xa có thể về bên gia đình, những y bác sĩ bên đầu chiến tuyến sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Bánh ngọt, trà ngon, ăn bánh thưởng trà tưởng như đơn giản mà mang lại dư vị thật nhiều ý nghĩa. Trung thu Năm tới sẽ thật ý nghĩa hơn nữa khi tất cả con phố, tấp nập rước đèn, với tiếng cười vui tươi của các em nhỏ háo hức, nghe chị Hằng kể chuyện sự tích chú Cuội và chị Hằng trên cung trăng, phá cỗ trăng rằm, ấm áp hạnh phúc bên gia đình đón tết Trung thu./.

 

Chia sẻ