Thưởng trà dưới mái hiên nhà

Thưởng trà dưới mái hiên nhà – Ngồi xuống đây, mình kể nhau nghe về thú vui bình dị của người Việt

Thưởng trà dưới mái hiên nhà là cuốn sách về trà lần đầu tiên được viết bởi đôi vợ chồng Việt Bắc – Ngọc Linh, chồng là người đã hơn 10 năm kinh nghiệm lăn lộn với trà, vợ là một cây viết nổi tiếng. Hơn 200 trang sách với xen kẽ những chia sẻ của “vợ”, của “chồng” từ cặp đôi Việt Bắc – Ngọc Linh, bạn sẽ biết rõ hơn về tác dụng của trà trong cuộc sống gia đình, cách thức chọn ấm, chén cho bàn trà tại gia và được lắng nghe những câu chuyện ẩn sau vẻ đẹp của văn hóa uống trà của người Việt Nam.

Thưởng trà dưới mái hiên nhà – Ngồi xuống đây, mình kể nhau nghe về thú vui bình dị của người Việt
Ca dao Việt Nam có câu

“Chè ngon, nước chát xin mời

Nước non non nước, nghĩa người chớ quên”. 

Câu thơ này không chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn, “uống nước nhớ nguồn” của người Việt mà còn khẳng định giá trị quan trọng của trà. Trà được người Việt sử dụng như một thức uống thân thuộc trong đời sống từ quán nước vỉa hè đến ấm trà trong gia đình, hay tại những trà thất, những nhà hàng, quán nước sang trọng hơn. Chén trà với người Việt được ví như khởi đầu của những câu chuyện hàn huyên, của những cuộc giao lưu bất kể xa lạ hay thân thuộc.

Những câu chuyện và kiến thức về trà được trình bày rất đặc biệt trong cuốn sách. Sẽ có những trang chia sẻ kiến thức về trà, các loại hương, các loại ấm, chén được viết bởi tác giả Việt Bắc và mở đầu bằng chữ “chồng”. Cũng sẽ có những trang sách được mở đầu bằng từ “vợ” với những câu chuyện nhỏ to và thanh bình từ tác giả Ngọc Linh về những kỉ niệm đi trên con đường Trà cùng chồng. Đan xen với lý thuyết về trà là câu chuyện giữa trà và cuộc sống của hai tác giả, giúp độc giả cảm thấy thú vị và sinh động với những điều mà tác giả muốn truyền tải. Hai giọng văn, hai con người, cùng chung một niềm đam mê với trà đã khiến cho tác phẩm trở nên đặc biệt, say đắm như một thưởng thức một tách trà nóng giữa nhịp sống bận rộn và hối hả vậy/

Trà chỉ đơn giản là trà

Ở phần đầu cuốn sách, tác giả có viết một ý rất hay rằng: sở dĩ chúng ta, dân tộc ta, với nền tảng thô sơ về nghề, với sự tự ti đến cùng cực về văn hóa trà bản địa, rồi có khi lại cũng huyễn tưởng thái quá về “trà đạo Việt”, chúng ta chưa giờ bình tĩnh với trà.

Sự tự ti đó thể hiện ở chỗ, chúng ta luôn có nhu cầu so sánh với Trung Hoa, Đài Loan, Nhật Bản, thậm chí với cả phương Tây, nơi mà lịch sử trả chỉ mới tồn tại chừng ba trăm năm. Chúng ta, nơi mà người Anh phải thốt lên: “hãy giở tấm bản đồ Việt Nam, đặt lên bàn, nhắm mắt lại và chỉ tay lên tấm bản đồ đó, ngón tay của bạn chỉ ở đâu, nơi đó có trà!”. Cái đáng tự hào nhất chắc hẳn chúng ta phải có và phải đo được bằng gì? Nó phải được đo bằng thời gian tồn tại một cách hồn nhiên của chính nó. Đó là lá trà tươi. – tác giả chia sẻ.

Không như chúng ta vẫn quan niệm, trà tươi là một thứ thô sơ, là một thứ phi nghi lễ, hay nó là thứ chỉ dành cho người bình dân, có dùng mỹ từ đi nữa thì cũng chỉ có thể dùng đến từ “bình dị” để chỉ mà thôi. Tác giả Việt Bắc cho rằng anh không phản bác những ý kiến đó, song, suy tới cùng, thì có gì vĩ đại mà không bắt đầu từ một thứ bình dị, ví dụ như định luật hấp dẫn cũng ra đời từ hiện tượng một trái táo rơi đấy thôi.

Trà – Thức uống tốt cho sức khỏe con người

Trà cũng giống như bao thứ thân thuộc khác, nó mang trong mình cả hai yếu tố không thể thiếu với con người: vật chất và tinh thần. Về mặt vật chất, trà mang lại lợi ích dinh dưỡng hay dược lý mà chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy trên bất cứ tờ tạp chí khoa học về y khoa hay dinh dưỡng nào. Về mặt tinh thần, hoạt động uống trà cũng đồng thời tác động đến cảm xúc cá nhân, văn hóa của cộng đồng và cả tâm linh nữa.

Tác giả cũng dẫn ra những lợi ích mà trà mang lại cho con người như giúp đôi mắt được thư giãn, hỗ trợ cơ thể đào thải độc, thúc đẩy hệ tiêu hóa, chăm sóc sức khỏe tim mạch, nâng cao năng lực hoạt động của tư duy, làm cho đầu óc tỉnh táo, không buồn ngủ,…. đã được tác giả tham khảo và đúc kết từ nhiều công trình nghiên cứu khoa học về trà.

Đã bao lâu bạn chưa uống trà?

Trà quen thuộc với chúng ta trong những ngày lễ Tết, giỗ chạp, cưới hỏi, ma chay. Những thanh niên đi hỏi vợ sẽ phải mang theo trà, người con đứng trước vong linh cha ông, tổ tiên phải dâng trà, khi mừng thọ cha ông phải dâng trà, lúc giao thừa cũng không thể thiếu trà trên bàn thờ tổ tiên, khi quây quần gia đình, bè bạn êm đềm nhất là lúc hàn huyên bên bàn trả…Tất cả những hoạt động trong đời sống của người Việt đều có trà. Trà tồn tại một cách dai dẳng và phong phú trong đời sống dân ta. Vậy còn lí do gì để chúng ta không thể đánh đổi một vài đêm mất ngủ mà trong thực tế chúng ta đã “ngủ” quá nhiều?

Để thưởng thức trà, chúng ta không cần giới hạn của nghi lễ hay thẩm mỹ nào cả, định kiến ở việc thường thức trà chỉ từ quan niệm cá nhân mà ra. Ta có thể uống trà, bất luận ta đang ở trong trạng thái tinh thần ra sao, đang ở bối cảnh xã hội hay điều kiện sống như thế nào đi nữa.

Mình thích mỗi lúc chồng gọi “ra uống trà” hay những lúc mình tự động pha một ấm Bạch Hạc, gọi với vào trong nhà mời mọi người ra uống trà. Như thế, thay vì cắm mặt vào điện thoại, bọn mình nói chuyện tào lao”, tác giả Ngọc Linh viết.

Thưởng trà, theo cách của người Việt, vừa cầu kỳ nhưng cũng đậm chất dân dã, không cần dụng cụ pha trà đặc biệt, cũng không nhất thiết phải lễ nghi rườm rà, mà việc thưởng thức thức trà chỉ cần vài lá chè tươi được pha và thưởng thức thuận theo tự nhiên, theo cách mà bản thân mong muốn.

Trưởng thành cùng trà

Tác giả Ngọc Linh chia sẻ có lúc cô pha chén Bách Trà nhạt nhẽo không hương vị, lại lờ lợ như nước để qua đêm. Có khi lại là những chén Hồng Trà chua và hương thơm không hề đượm, mới biết, trà được nước ủ quá lâu trong nhiệt độ cao. Là người đã làm bạn với trà qua nhiều lần sai rồi sửa lại như thế. Đã nhiều lần pha hỏng và cũng nhiều lần pha thành công. Nhưng cho dù là gì, qua trà, cô cũng đã tìm thấy một kiểu thanh bình và trường thành mới. Với Ngọc Linh, cô không còn cảm thấy tốt hơn hay giỏi hơn có ý nghĩa gì, cũng cảm thấy việc tâm thái pha trà có trọn vẹn hay không, đang làm hay không cũng chẳng quan trọng bằng việc mình yêu việc mình đang làm.

Khi pha trà, yên ổn nhất chính là lặng im lắng nghe hơi thở của trà. Đó là khi, bạn không chờ nổi ấm nước mới sôi mà nhấc lên khi đoán nhiệt độ đang tầm “chín mấy độ xê”. Nghe dòng nước chảy vào ấm trà, tiếng nước từ trên cao xuống thấp. Đóng ngay nắp rồi rót nước “thức trà’ ra tống. Khoảnh khắc ta mong chờ nhất là khi hương của trà bay lên theo làn khói nước mờ ảo. Khi bạn nhận ra hương cốm non của Bạch Hạc, nhân ra hương sen, hương nhài hay quế hoa trong từng lá trà, nhận ra mùi chua dịu của Hồng Trà,… đó là hơi thở của trà.

Giữa cuộc sống xô bồ và hồi hả, hãy thử sống chậm lại một chút, tận hưởng những giây phút thật ý nghĩa bên người thân, gia đình bằng những tách trà thơm cùng vài lát bánh quy ngọt nhẹ. Hương thơm của trà hoà quyện cùng vị ngọt và giòn tan của bánh sẽ làm nên một cuộc gặp mặt đầy ấm cúng và tình cảm. Thức uống đượm đà này sẽ gắn kết tình cảm giữa người với người một cách trọn vẹn và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc sâu sắc.

Chia sẻ