Văn hóa uống trà của người Việt xưa và nay

Văn hóa thưởng trà như một dòng chảy xuyên suốt từ xưa đến nay và thấm đẫm vào cuộc sống, tâm hồn của những con người Việt. Trà đã được bắt nguồn, gắn liền và có sức sống mãnh liệt như cuộc sống của những con người Việt trong quá trình lâu dài của 4000 năm lịch sử.

Đã có giai đoạn, trà hầu như chỉ được dùng trong tầng lớp vua chúa, danh gia vọng tộc. Tuy nhiên, nó ngày càng gần gũi, hết sức một mạc, xuất hiện ở mọi nơi và không còn sự phân tầng lớp. Văn hoá thưởng trà của người Việt tuy đã có nhiều sự thay đổi, thế nhưng, nghệ thuật thưởng thức trà của người Việt vẫn mang những nét đẹp riêng và phản ánh được những phong tục, tính cách của người Việt.

Vì được dùng trong tầng lớp quyền quý cao sang, nên việc pha trà cũng từng rất công phu. Từng giọt sương mai tinh khiết đẫm trên búp sen được người ta chắt lọc, nâng niu đem về để pha trà. Tiền nhân còn sử dụng nước mưa để pha trà, giúp chén trà có vị ngọt thanh, đặc biệt sau khi uống sẽ lưu giữ vị ngọt đọng lại ở cuống họng.

Tuy là thế, nhưng nghệ thuật pha và thưởng trà của người Việt có lẽ không cầu kỳ và nhiều quy tắc như của người Nhật, cũng khác rất nhiều so với Trà đạo Trung Quốc và kể cả phong cách thưởng trà của người Hàn Quốc. Có thể từ việc không đi theo một quy chuẩn bắt buộc nào mà việc pha trà, thưởng trà của người Việt dần trở nên ngẫu hứng và sáng tạo.

Thói quen trong cách pha trà của người Việt thường thấy đó là trước khi pha phải tráng ấm bằng nước sôi, sau đó cho trà vào, đổ nước sôi và đậy kín nắp ấm. Đồng thời, tiếp tục rót nước nóng từ trên xuống phía bên ngoài ấm để giữ hơi và khiến từng cánh trà được ngấm đều. Khi thưởng trà, nhiều người thường có thói quen đưa trà ngang qua mũi để thưởng thức hương thơm của trà. Tiếp đến, nhấp từng ngụm trà một cách chậm rãi để thưởng thức vị ngon của trà.

Trà được xem là nét văn hoá vì nó phổ biến rộng rãi, thể hiện được phong tục và tính cách của người Việt, cũng như tạo nên văn hoá vừa thưởng thức những chén trà ngon, vừa chuyện trò, giãi bày tâm sự. Chính vì lẽ đó, có thể thấy ngày nay trà xuất hiện trong đời sống hằng ngày của mỗi gia đình; khách đến nhà thường được mời trà, đây cũng là cách gia chủ thể hiện sự niềm nở, đón tiếp nồng nhiệt và tình cảm đối với khách. Mời trà còn để thể hiện sự tôn kính đối với bề trên, vậy nên hình ảnh mời trà thường được thấy trong những dịp Lễ – Tết, gia đình sum vầy; hay trong những dịp cưới hỏi, đám giỗ cũng không thể thiếu những chén trà đong đầy ý nghĩa này.

Và đến tận bây giờ, trà đã có sự giao thoa, được “làm mới” để phù hợp với đời sống hiện đại. Nhiều người thích trà, uống trà thường xuyên nhưng không cần phải tự pha; việc gặp gỡ bạn bè cũng không nhất thiết phải đến nhà mà đơn giản là những quan cà phê quen thuộc. Do đó, trà cũng được thấy nhiều ở những quán cà phê, quán nước dù là vỉa hè, trong không gian gần gũi, hay cả sang trọng.

Văn hoá uống trà ngày nay không nhất thiết là theo các bậc tiền nhân, mà nó tùy thuộc vào sở thích, phong cách và cả những tính chất riêng trong cuộc sống của mỗi người. Quan trọng hơn, uống trà phải có lợi cho sức khỏe, làm dịu được những căng thẳng, khó chịu đến từ thời tiết hay môi trường xung quanh. Hay đơn giản là để có những giây phút kết nối và nhâm nhi, chuyện trò với bạn bè. Cùng đến với Nhật Thức để thưởng thức những hương trà hảo hạng, những vị trà thanh mát, ngọt dịu.

 

Chia sẻ